(ĐTCK) VN-Index rơi hơn 30 điểm; Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng; Hé lộ bức tranh lợi nhuận quý III của doanh nghiệp niêm yết; Những vấn đề lớn nhà đầu tư cần chú ý trong thời gian tới; Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ chủ yếu gửi đi thông điệp mang tính biểu tượng…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay 7/9 giảm 100.000 so với cuối ngày hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại đúng 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,00 – 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 10,3 USD xuống mức 1.702,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng lao dốc tiếp về gần 1.690 USD, trước khi bật trở lại mốc 1.705 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 110,48 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.261 đồng/USD, tăng 16 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.460 – 23.740 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 18.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và gần như chỉ dao động nhẹ nhẹ quanh ngưỡng trên cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,46 USD (+0,53%), lên 87,34 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,51 USD (+0,55%), lên 93,34 USD/thùng.
VN-Index lao dốc
Trong phiên sáng, bất chấp thông tin Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ.
Bước sang phiên chiều, lực bán đã ồ ạt được tung vào khiến hơn 400 mã giảm chỉ riêng trên sàn HOSE. Sức bán tiếp tục diễn ra mạnh hơn nữa trong đợt ATC, kéo thêm hàng chục mã giảm sàn và VN-Index mất hơn 34 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Đây là phiên giảm mạnh nhất hơn 2 tháng của thị trường, đẩy VN-Index xuống dưới mốc 1.245 điểm và ra ngoài dải dưới bollinger trên đồ thị kỹ thuật.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14,41 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 503,5 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 7/9: VN-Index giảm 34,23 điểm (-2,68%), xuống 1.243,17 điểm; HNX-Index giảm 9,22 điểm (-3,14%), xuống 284,05 điểm; UPCoM-Index giảm 1,26 điểm (-1,37%), xuống 90,38 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba (6/9), khi các nhà đầu tư thận trọng đánh giá dữ liệu kinh tế mới và chờ đợi bài phát biểu của chủ tịch Fed.
Một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy, ngành dịch vụ của Mỹ đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8 và đạt 56,9 điểm, nhờ tăng trưởng số đơn hàng và việc làm, trong khi tắc nghẽn nguồn cung và áp lực giá giảm bớt.
Dữ liệu được công bố sau báo cáo việc làm hôm thứ Sáu tuần trước cũng tốt hơn kỳ vọng, cho thấy nền kinh tế Mỹ vững chắc hơn dự báo.
Những dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi này đã thúc đẩy khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Kết thúc phiên 6/9, chỉ số Dow Jones giảm 173,15 điểm (-0,55%), xuống 31.145,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 16,07 điểm (-0,41%), xuống 3.908,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 85,96 điểm (-0,74%), xuống 11.544,91 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, do lo ngại kéo dài của nhà đầu tư về suy thoái kinh tế đã làm lu mờ màn trình diễn mạnh mẽ của cổ phiếu xuất khẩu nhờ đồng yên yếu đi.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,71% xuống 27.430,30 điểm. Chỉ số Topix mất 0,57% xuống 1.915,65 điểm.
Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô là những mã hoạt động tốt nhất nhờ đồng yên yếu đi so với đồng USD, với Mitsubishi Motors Corp tăng 3,61%, Subaru Corp thêm 3,37%, trong khi Mazda Motor Corp tăng 2,45%.
Trái lại, nhóm cổ phiếu logistics và vận tải biển giảm sâu nhất, với Nippon Yusen KK giảm 7,92%, Mitsui OSK Lines Ltd và Kawasaki Kishen Kaisha Ltd lần lượt mất 7,01% và 6,18%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất chip với kỳ vọng được hỗ trợ từ chính phủ, nhưng đà đi lên bị chặn lại do dữ liệu cho thấy tăng trưởng xuất khẩu của nước này suy yếu trong tháng Tám.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng gần 0,09% lên 3.246,29 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng gần 0,08% lên 4.054,98 điểm.
Phiên này, cổ phiếu các công ty bán dẫn tăng 2,7% khi Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ củng cố hệ thống do nhà nước lãnh đạo để đạt được những đột phá về công nghệ cốt lõi, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ vẫn ở mức cao.
Xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 7,1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, do lạm phát gia tăng làm suy yếu nhu cầu ở nước ngoài và các đợt phong tỏa nhiều nơi chống Covid-19, cũng như sóng nhiệt đã làm gián đoạn sản xuất, làm dấy lên những rủi ro đi xuống cho nền kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông giảm phiên thứ năm liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3, trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ ở nước ngoài, cũng như nhóm cổ phiếu lớn là công nghệ tiếp tục sụt giảm.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,83% xuống 19.044,30 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 0,65% xuống 6.513,22 điểm.
Thị trường chịu tác động khá mạnh từ nhóm cổ phiếu các công ty công nghệ khổng lồ niêm yết tại Hồng Kông, khi để mất g1,3%.
Thông tin đáng chú ý mới là việc Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đã cảnh báo rằng, các công ty kế toán Mỹ có nguy cơ vi phạm các quy tắc của Mỹ nếu họ đồng ý chủ trì việc kiểm toán các công ty Trung Quốc và Hồng Kông niêm yết tại New York.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do lo lắng về việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn ở Mỹ sau khi các chỉ số kinh tế mạnh mẽ hơn dự báo
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 33,56 điểm, tương đương 1,39% xuống 2.376,46 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,93% và SK Hynix mất 1,53%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,93%.
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng số cổ phiếu trị giá 488,9 tỷ won (353,07 triệu USD) trên bảng chính, kéo dài đợt bán ròng lên phiên thứ năm liên tiếp.
Kết thúc phiên 7/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 196,21 điểm (-0,71%), xuống 27.430,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,85 điểm (+0,08%), lên 3.246,29 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 158.43 điểm (-0,83%), xuống 19.044,30 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 33,56 điểm (-1,39%), xuống 2.376,46 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, tuy nhiên vẫn khẳng định sẽ giữ nguyên mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống của năm 2022 là 14%..>> Chi tiết
– Hé lộ bức tranh lợi nhuận quý III của doanh nghiệp niêm yết
Trên nền so sánh thấp của cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận quý III/2022 của các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng tốt. Dù vậy, niềm vui sẽ không chia đều cho các ngành..>> Chi tiết
– Những vấn đề lớn nhà đầu tư cần chú ý trong thời gian tới
Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ đầu tư A+, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Quản lý quỹ Amber chia sẻ góc nhìn xung quanh động thái chuẩn bị mở lại room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước..>> Chi tiết
– Cổ phiếu bán lẻ hút dòng tiền
Hiệu suất đầu tư trong 2 tuần gần nhất của ngành bán lẻ vượt trội so với mặt bằng chung..>> Chi tiết
– Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ chủ yếu gửi đi thông điệp mang tính biểu tượng
Các nhà phân tích cho biết, quyết định thực hiện cắt giảm sản lượng ở mức khiêm tốn của OPEC+ là một tuyên bố chính trị và là một thông điệp mang tính biểu tượng do liên minh gửi đi..>> Chi tiết