(ĐTCK) Hai hai năm hình thành và hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đóng vai trò là kênh huy động vốn đắc lực cho nền kinh tế. Nhưng để vươn ra biển lớn toàn cầu, thị trường và mỗi thành viên cần thay đổi.
Tổng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu) đến cuối năm 2021 đạt 110% GDP, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% của năm 2010. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam đã lên tới 93% GDP; quy mô tổng tín dụng ngân hàng đạt 129% GDP Việt Nam trong năm 2021. Từ đó, ta thấy được quy mô thị trường chứng khoán đã gần tiệm cận quy mô tín dụng ngân hàng.
Trong năm 2021, chỉ số VN-Index đã tăng 35,7%, đóng cửa ở mức 1.498,28 điểm và đã có phiên chạm mốc điểm 1.500,81, cao nhất trong 21 năm hoạt động. Bên cạnh đó, VNAllshare đạt 1.561,33 điểm, tăng 51,23%; chỉ số VN30 đạt 1.535,71 điểm, tăng 43,42%. Giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên trong năm 2021 lần lượt đạt 21.593 tỷ đồng và 737,29 triệu cổ phiếu, tương đương với mức tăng 247,27% về giá trị và 120,43% về khối lượng so với năm 2020.
Đi cùng việc mở rộng quy mô của thị trường chứng khoán, đã có 652 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 – 2020, giúp Nhà nước thu về 229.000 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, khối lượng giao dịch trung bình năm 2022 là 188.395 hợp đồng/phiên, gấp 17 lần so với số lượng 10.954 hợp đồng/phiên năm 2017, tương đương với hơn 1 tỷ USD/phiên.
Đi cùng sự phát triển của thị trường, không thể không nhắc đến sự phát triển từ chất lượng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư. Nhờ đó, số lượng tài khoản chứng khoán đến hết năm 2021 đạt hơn 4,3 triệu tài khoản, tăng 50% so với năm 2020 và gấp 4 lần so với năm 2010.
Tất cả những con số ấn tượng trên thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán góp phần không nhỏ trong nhiều thành tựu kinh tế của Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua. Thị trường chứng khoán là cầu nối giúp nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và quốc gia tăng thu ngân sách. Cụ thể, có tới 46 doanh nghiệp đạt mức vốn hóa trên 1 tỷ USD trong năm 2021.
Bên cạnh những thành công vượt bậc kể trên, ngành chứng khoán vẫn còn một số điểm mấu chốt cần được cải thiện để “vươn ra biển lớn”, cụ thể là nâng hạng lên MSCI Emerging Markets.
Để đạt được điều này, thị trường chứng khoán Việt Nam cần cải thiện một số tiêu chí định tính, gồm cải thiện hệ thống giao dịch, tăng tính minh bạch, hạn chế tối đa việc thao túng giá cổ phiếu và sửa đổi Luật Chứng khoán, bao gồm: cải thiện giới hạn sở hữu nước ngoài, áp dụng mua bán T0, áp dụng luật bán khống, bổ sung công bố thông tin bằng tiếng Anh, bổ sung tài khoản tổng ẩn danh, cải thiện mức độ tự do trên thị trường ngoại hối.
Với những thị trường đi trước như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia…, hay gọi tắt là nhóm thị trường mới nổi đều chia sẻ hai điểm tương đồng quan trọng là khát vọng tăng trưởng kinh tế và khả năng sẵn sàng mở cửa nền kinh tế với các nhà đầu tư nước ngoài.
Những thị trường mới nổi được vận hành hiệu quả đều đạt được mức tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ và độ mở nhất định với các nhà đầu tư trên thế giới.
Thị trường chứng khoán đóng vai trò làm trung gian kết nối nguồn vốn và doanh nghiệp, giúp quốc gia đạt được tăng trưởng như kỳ vọng, cụ thể như sau:
– Tăng cường thu hút vốn đầu tư đầu tư ổn định hơn, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và hạn chế rủi ro rút vốn khi thị trường biến động;
– Doanh nghiệp có thêm nguồn vốn nước ngoài dồi dào để tập trung phát triển;
– Giúp nâng cao mặt bằng định giá của thị trường.
Dù có những thăng trầm nhưng triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trung và dài hạn vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh dựa trên tiềm lực nội tại của nền kinh tế và câu chuyện nâng hạng của thị trường.
Thứ nhất, tiềm lực nội tại của nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng cao trong những năm tới, dựa vào tiềm năng xuất khẩu được hoạch định từ thập kỷ trước thông qua hàng loạt FTA Việt Nam đã tham gia. Nhiều chuyên gia duy trì tầm nhìn tăng trưởng GDP của Việt Nam trung bình là 6 – 7%/năm đến năm 2030. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam đến năm 2027 sẽ ngang bằng Thái Lan, vươn lên đứng thứ hai Đông Nam Á.
Thứ hai, câu chuyện nâng hạng của thị trường
Quy mô thị trường Việt Nam hiện tại là quá lớn để tiếp tục ở trong thị trường cận biên. Tỷ trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Markets đã lên tới hơn 31%. Điều này dẫn đến áp lực nâng hạng cho thị trường Việt Nam cho chính các nhà hoạch định của MSCI.
Chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí của MSCI, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận dòng tiền lớn từ nước ngoài.
Theo thống kê của VNDIRECT, thị trường Việt Nam có khả năng hút ròng 1,4 – 1,9 tỷ USD nếu khi được công bố nâng hạng lên MSCI Emerging Markets.
Hai ví dụ cụ thể là thị trường chứng khoán Kuwait và Arab Saudi sau khi được công bố nâng hạng đã tăng trưởng 30% chỉ trong 1 năm đầu được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên MSCI Emerging Markets. Từ đó, ta có thể kỳ vọng vào mức định giá cao hơn khi thị trường Việt Nam được nâng hạng.
Là một thành viên tích cực của thị trường, chúng tôi cho rằng cần cải tiến Luật Chứng khoán và có các văn bản hướng dẫn thực tiễn để sớm hoàn thiện các yêu cầu của MSCI, giúp nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi. Từ đó, có thể đảm bảo thị trường chứng khoán đóng vai trò làm trung gian huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế
Tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ – con. Ngoài ra, toàn ngành cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tài chính và minh bạch của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thông qua tăng cường yêu cầu về chuyên môn nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức chuyên nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường, nhằm nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh của ngành chứng khoán Việt Nam.
Cần tiếp tục mở rộng quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua khuyến khích doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và các doanh nghiệp nhà nước hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo từng giai đoạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm chứng khoán phù hợp với điều kiện của thị trường bao gồm: các loại chứng chỉ lưu ký, các sản phẩm phái sinh, các quỹ ETF.
Cần sớm thiết lập thị trường giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp nhằm cải thiện thanh khoản, đảm bảo tính minh bạch của thị trường thông qua việc công khai xếp hạng tín dụng các trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch trên sàn.
Đối với chính phủ
Cần đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, các sản phẩm liên kết đầu tư, sản phẩm cơ cấu.
Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán để giảm số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp nhân viên chứng khoán cùng với việc nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như tăng quy mô đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc gia tăng số lượng các công ty có vốn hóa lớn, thúc đẩy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn. Chỉnh sửa, đề xuất các chính sách mới giúp tăng tính công bằng và hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp niêm yết
Cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính. Yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn, lập và công bố thông tin báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi trong đánh giá doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường tính minh bạch và đầy đủ trong việc công bố thông tin.
Đối với nhà đầu tư
Trong quá trình đầu tư, cần tìm hiểu kỹ về thị trường và doanh nghiệp; phân tích thông tin có chọn lọc và kiểm chứng, đồng thời hạn chế hành vi đầu cơ và chạy theo tin đồn thiếu căn cứ.